Thành phố Biên Hòa là đô thị loại I, đồng thời là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh. Biên Hòa còn là thành phố công nghiệp lớn của cả nước. Từ ngày 1-7-2019, 6 xã của thành phố được nâng cấp lên phường, đến nay, TP.Biên Hòa gồm 29 phường, 1 xã và trở thành phố trực thuộc tỉnh có số phường nhiều nhất cả nước. Lãnh đạo thành phố cho biết, mục tiêu mà thành phố đang hướng tới là trở thành một đô thị thông minh và là cực phát triển quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
- Biên Hòa đã có những bước tiến vượt bậc
Thành phố Biên Hòa – Đồng Nai
Năm 1993, TP. Biên Hòa được phê duyệt quy hoạch chung lần thứ nhất. Sau 26 năm xây dựng và phát triển, từ chỗ dân số 400.000 dân, đến nay Biên Hòa đã có trên 1,2 triệu dân sinh sống với mức độ đô thị hóa đạt 100%. Hằng năm, có hàng chục ngàn lao động di cư đến Biên Hòa sinh sống và làm việc đã đẩy mật độ dân số của thành phố tăng lên nhanh chóng. Điều đó cũng gây áp lực cho thành phố trong đáp ứng nhu cầu việc làm, nhà ở cho người lao động. Tuy nhiên, với phương châm “chất lượng cuộc sống của người dân là tiền đề để phát triển”, Đảng bộ và chính quyền thành phố đã có những hướng đi đúng đắn. Thành phố mở rộng quy mô, không gian đô thị để đáp ứng yêu cầu phát triển, nhiều khu, cụm công nghiệp vừa giải quyết việc làm cho người lao động, vừa tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Bên cạnh đó, Thành phố cũng quan tâm thu hút những dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, đầu tư các công trình công cộng, tạo những khoảng không gian xanh, các dịch vụ an sinh xã hội được hoàn thiện dần. Để đảm bảo người lao động yên tâm làm việc, nhiều chính sách về nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp được chính quyền chỉ đạo các ban, ngành quan tâm thực hiện; Nâng cao trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của Đảng bộ, chính quyền nhằm đáp ứng yêu cầu của đô thị loại I, góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.
Chủ tịch UBND TP. Biên Hòa – Phạm Anh Dũng nhấn mạnh: TP. Biên Hòa là đô thị loại I, mục tiêu mà TP hướng đến là đô thị loại I vững mạnh và xa hơn nữa là thành phố trực thuộc Trung ương. Điểm nổi bật nhất trong 26 năm qua chính là bộ mặt đô thị ngày càng được hoàn thiện. Từ những tuyến đường giao thông mới chỉ đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, đến nay, Biên Hòa đã có một hệ thống giao thông khá đồng bộ. Các tuyến đường được mở rộng, xây mới, nâng cấp kết nối với nhau. Trong đó, đáng chú ý là các tuyến đường, cầu do UBND thành phố làm chủ đầu tư, chủ động đề xuất phương án đầu tư, không chỉ đáp ứng nhu cầu giao thông đô thị, giảm tải ùn tắc giao thông mà còn góp phần chỉnh trang đô thị hiện đại, kết nối sự phát triển toàn thành phố, hoàn thiện hạ tầng thu hút các nhà đầu tư lớn. Thành phố cũng thường xuyên tổ chức các cuộc thi tuyến đường “xanh, sạch, đẹp an toàn”; “Bê tông hóa đường làng ngõ xóm”; “Ngày thứ 7 xanh, sạch, đẹp” thu hút đông đảo lực lượng tham gia, giúp cho người dân có ý thức hơn trong giữ gìn vệ sinh môi trường, cùng với chính quyền xây dựng bộ mặt cho thành phố.
Chủ tịch UBND TP. Biên Hòa – Phạm Anh Dũng
Năm 2014, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa đến năm 2030, tầm nhìn 2050 với tổng diện tích 26.354,82 ha, quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 1,3 – 1,4 triệu người, toàn bộ là dân số đô thị với tỷ lệ đô thị hóa là 100%, phân vùng phát triển 4 khu đô thị với 21 phân khu và hệ thống các trung tâm đô thị, trung tâm chuyên ngành. Quy hoạch đó hướng đến đô thị tổng hợp cấp vùng loại I và là đô thị vệ tinh độc lập trong khu vực đô thị trung tâm của Vùng TP. Hồ Chí Minh (bán kính 30km). Từ đó, nỗ lực đưa Biên Hòa trở thành trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, dịch vụ, khoa học kỹ thuật của tỉnh Đồng Nai. Đây vừa là mục tiêu phấn đấu, vừa là nhiệm vụ quan trọng của thành phố.
- Hướng đến chuỗi đô thị xanh, thông minh
Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng cho biết: Xây dựng thành phố thông minh thực chất là ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng đô thị, trong đó chú trọng về quản lý nhằm giảm tiêu thụ năng lượng và sử dụng tài nguyên bền vững. Đồng Nai chọn 3 lĩnh vực giao thông, y tế và giáo dục vì đây là những ngành người dân trên địa bàn đang quan tâm nhất, sau đó sẽ thực hiện rộng rãi ở những lĩnh vực khác.
Hệ thống camera giám sát giao thông trên đường Nguyễn Ái Quốc. TP Biên Hòa
Hiện nay, tỉnh đang phối hợp với đơn vị tư vấn là Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế AIC (Hà Nội) để hoàn tất đề án Thành phố thông minh. Những ứng dụng thực hiện thành phố thông minh, với mục tiêu là lấy con người làm trung tâm, ứng dụng các công nghệ mới vào trong các lĩnh vực giúp nâng cao đời sống của người dân ở các khu đô thị, đồng thời giúp cơ quan quản lý nắm bắt, điều hành mọi việc kịp thời, giảm được những thiệt hại, tổn thất do khách quan, chủ quan. “Xây dựng đô thị thông minh là điều mà tất cả các tỉnh, thành hướng đến. Vì mục tiêu là ứng dụng các công nghệ thông tin tiên tiến nhất để phục vụ cuộc sống cho người dân đô thị được tốt hơn”.
Với những công trình đã và đang được đầu tư xây dựng, Biên Hòa đang vươn mình mạnh mẽ. Sau hơn 40 năm giải phóng, Biên Hòa phát triển vững mạnh về mọi mặt, để trong tương lai đưa TP.Biên Hòa trở thành đô thị vệ tinh trực thuộc Trung ương và đô thị trực thuộc vùng đô thị TP.Hồ Chí Minh.
>>> Xem thêm: Tập Đoàn Hưng Thịnh mở bán đất nền sổ đỏ Biên Hoà New City